Giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra

Công nghệ sản xuất tuabin của GE tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng, với cánh quạt bằng sợi áp lực, thiết kế động lực học ít tiếng ồn, nhẹ hơn và mang lại hiệu năng cao, phụ tải thấp.
HIỆN THỰC HÓA GIẤC MƠ ĐIỆN GIÓ
Tháng Hai 19, 2019
Xử lý nước thải
Xử lý nước thải và vấn đề báo động về nước thải hiện nay
Tháng Hai 20, 2019
Rác thải sinh hoạt

Rác thải sinh hoạt

Giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra

“Rác thải”-Theo số liệu thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 24,5 triệu tấn; chất thải rắn công nghiệp 8,1 triệu tấn và khoảng 800 nghìn tấn chất thải nguy hại. Trong khi, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực các thành phố mới đạt khoảng từ 70% đến 85%; đối với khu vực nông thôn chỉ đạt từ 40% đến 55%. Tình trạng này khiến các bãi rác mỗi ngày một lớn hơn và là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cục bộ, tạo áp lực lớn cho cả người dân và chính quyền địa phương. 

Rác thải sinh hoạt

Rác thải sinh hoạt

Rác thải – vấn đề nóng của đô thị

Theo báo cáo môi trường toàn quốc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm từ rác tiếp tục là một trong những vấn đề môi trường trọng điểm. Trên phạm vi toàn quốc, rác thải phát sinh ngày càng tăng với tốc độ gia tăng khoảng 10% mỗi năm và sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại. Tính theo nguồn gốc phát sinh, khoảng 46% rác thải là rác sinh hoạt tại các khu vực đô thị, 17% rác thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp; còn lại là các loại rác thải khác từ khu vực nông thôn, làng nghề và y tế. Theo phạm vi, khu vực có lượng rác thải phát sinh cao nhất là Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng.

Số liệu ước tính, hiện người dân Việt Nam đang thải ra khối lượng 120.000 tấn rác mỗi ngày, tức là gần gấp đôi so với trung bình cách đây 5 năm. Nguyên nhân của việc gia tăng rác thải sinh hoạt là do sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt. Đa số rác thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của con người.

Câu hỏi đặt ra là vì sao rác không được xử lý triệt để? Theo báo cáo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các đô thị khá cao (84 – 85%), tăng 3 – 4% so với giai đoạn trước. Nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình rằng, quy trình xử lý rác hiện nay vẫn là biện pháp chôn lấp, trong đó, 95% rác thải được chôn lấp ở các bãi chứa thải đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, vừa lãng phí quỹ đất, lãng phí khối lượng lớn rác có thể tái chế. Đặc biệt, việc phân loại từ nguồn rác thải ban đầu không được chú trọng nên gây ra nhiều khó khăn trong khâu xử lý. Việc thiếu công nghệ, nguồn lực… đang là cản trở lớn cho việc tiến hành các giải pháp thu gom, tái sử dụng rác thải hiệu quả. Vẫn còn một lượng lớn rác thải chưa được thu gom đầy đủ, nhiều bãi rác chôn lấp chưa hợp vệ sinh, tình trạng rác thải gây ô nhiễm đất và nước, tắc nghẽn hệ thống thoát nước, công nghệ đốt không phù hợp, gây khí thải ô nhiễm không khí diễn ra khá phổ biến. Đáng ngại, hiện vẫn còn hơn 10 tỉnh, thành phố không có bất kỳ cơ sở xử lý trung gian nào ngoài việc chôn lấp…

Một khó khăn lớn trong xử lý rác ở nhiều đô thị là thiếu đất, trong khi, hầu hết các dự án xử lý rác với công nghệ hiện đại vẫn đang chờ kêu gọi đầu tư, việc triển khai còn chậm. Đơn cử như tại TP Hà Nội, khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) lớn nhất thành phố có khả năng tiếp nhận 4.000 – 4.500 tấn rác/ngày. Khu vực này được quy hoạch rộng khoảng 85 ha, nhưng do xử lý rác bằng chôn lấp và đốt một phần nên đến nay phải tiếp tục mở rộng diện tích. Tương tự, khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây) là nơi tiếp nhận lượng rác thải lớn thứ hai của Hà Nội cũng phải mở rộng diện tích vì hết quỹ đất chôn lấp rác. Với diện tích 13 ha hiện có, khu xử lý rác này dự kiến mở rộng diện tích đến năm 2020 lên 26 ha… Để giảm diện tích chôn lấp rác, Hà Nội đã có chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý rác công nghệ cao tại các khu xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các nhà máy này còn gặp nhiều vướng mắc.

Giải pháp từ công nghệ và nhận thức
Việt Nam đặt ra mục tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị để bảo vệ môi trường đạt được 90% vào năm 2025, 100% vào năm 2050 và 90 – 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã đóng cửa sẽ được cải tạo, xử lý và tái sử dụng đất.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có hành động cụ thể và giải pháp thực hiện chiến lược quản lý chất thải rắn. Trong đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn; hướng dẫn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với nền kinh tế sạch, các-bon thấp theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; và đặc biệt là vấn đề quản lý Nhà nước đối với việc ứng dụng công nghệ phù hợp với nguồn lực của từng địa phương.

Giải bài toán trách nhiệm đối với hoạt động xử lý rác thải, chúng ta cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm nguồn phát sinh. Việc giảm nguồn phát sinh cần thực hiện bằng cách quản lý tốt các sản phẩm có thể tạo thành rác. Thông thường, một sản phẩm khi không được sử dụng nữa sẽ bị cho là rác và bị vứt bỏ. Để hạn chế việc này cần khuyến cáo người dân, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tái sử dụng các vật dụng, vật liệu đồng thời lựa chọn những sản phẩm có tuổi thọ dài. Việc tái chế các vật liệu để tái sử dụng cũng là một trong những giải pháp cần được khuyến cáo đến cộng đồng dân cư, các cơ quan và doanh nghiệp.

Giải pháp tiếp nữa là cần phân loại rác tại nguồn để dễ dàng xử lý rác thải. Thời gian gần đây, hầu hết các tỉnh, thành đã đầu tư các lò đốt rác hiện đại. Do ngân sách còn hạn chế nên hiện số lò đốt rác không nhiều và công suất không đủ để giải quyết hết lượng rác thải ra mỗi ngày, việc phân loại rác tại nguồn sẽ giúp cho quá trình đốt rác chọn lọc hơn. Những loại rác không cần phải đốt mà có thể phân hủy tự nhiên thì nên được chôn lấp. Việc phân loại rác tại nguồn nên đi kèm với việc đầu tư đồng bộ các khu xử lý các loại rác thải rắn khác nhau.

Đặc biệt, đối với công nghệ đốt chất thải thành điện vẫn còn rất mới đối với nước ta, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn nghiên cứu đầu tư nên cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chọn công nghệ phù hợp. Một cơ chế tài chính là cần thiết để đầu tư vào công nghệ xử lý rác sinh hoạt nhằm khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư.

Cũng cần có các chế tài nghiêm khắc với các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về thu gom rác thải. Bài học kinh nghiệm của các đô thị hình mẫu xanh – sạch – đẹp trên thế giới, điển hình là Xin-ga-po, cho thấy: giải pháp cốt lõi nhất trong vấn đề rác thải là phải thực hiện chế tài thật nghiêm minh. Chế tài mạnh khiến người dân sẽ kiêng dè trước những thói quen vị kỷ, từ đó hình thành thói quen tốt là biết nghĩ đến môi trường chung, đến cộng đồng.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »